GSM (Green – Smart – Mobility) – Theo góc độ đánh giá cá nhân của mình thì đây là một nước đi SÁNG trong tình trạng KHÓ của VinFast trong thời gian gần đây. Bác Vượng đã có nước đi Tiên Phong!
Một, Tiên Phong để dẫn đầu và chiếm lĩnh thị trường với những bước đi nhanh.
Hoặc Hai, Tiên Phong là quân tốt để thí mạng và dần biến mất.
Mình thì thiên về vế Một và vẫn luôn ủng hộ, tin tưởng và theo dõi từng bước chân của Bác Vượng – Tay chịu chơi, đã làm thì phải làm cho Lớn!
Vậy …
Business Model của GSM
Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green – Smart – Mobility) và hợp tác với Be Group nhằm đưa ô tô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải lần đầu tiên tại Việt Nam.
GSM hợp tác với Be Group – Có phải mô hình mới?
TS Ngô Công Trường: Việc một doanh nghiệp sản xuất xe hơi sau đó cung cấp luôn dịch vụ taxi (nói rộng ra là các dịch vụ vận chuyển) thì đã từng có. Đó là trường hợp của tập đoàn Checker Motors (Checker Motors Corporation) tại Mỹ. Tập đoàn này đã từng sở hữu công ty Yellow Cab, công ty taxi với những chiếc xe taxi vàng, biểu tượng của thành phố New York. Tuy nhiên, đó là khoảng gần 100 năm trước và công ty này cũng đã không còn hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiện nay, thì việc một công ty xe hơi sở hữu công ty taxi, vận tải là hiếm có, nhưng việc các doanh nghiệp sản xuất xe hơi tham gia hợp tác hoặc làm cổ đông các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển là có. Điển hình như Toyota tham gia đầu tư vào Grab và Uber. Công ty General Motors (GM) cũng đầu tư vào Lyft.
Việc cần lưu ý ở đây, theo tôi là một doanh nghiệp sản xuất xe hơi tham gia sở hữu và điều hành một công ty taxi trong thực tế có thể gặp một số vướng mắc. Trong đó quan trọng nhất là năng lực vận hành một công ty dịch vụ. Doanh nghiệp sản xuất có những năng lực riêng và văn hóa doanh nghiệp cũng có những điểm không phù hợp cho một công ty dịch vụ. Do đó, không chỉ trong lĩnh vực xe hơi, trong các lĩnh vực khác, trong quá trình tư vấn các doanh nghiệp, chúng tôi cũng kiến nghị các doanh nghiệp cẩn trọng khi thực hiện các hoạt động M&A theo chuỗi giá trị khi chưa có đủ năng lực quản trị.
Trường hợp của GSM và Be Group thì sao?
Trường hợp của GSM, theo thông tin hiện nay, giai đoạn một của hợp tác là GSM đầu tư vào Be Group hợp tác cung cấp xe điện cho tài xế của Be Group. GSM cũng tuyển dụng tài xế và cung cấp dịch vụ vận chuyển qua App của Be. Do đó, có thể nói nôm na là GSM là “kho thành phẩm” và kiếm tiền bằng cách cho thuê xe hoặc hợp tác kinh doanh với tài xế. Dịch vụ bán hàng và cả chăm sóc khách hàng (kết nối người dùng và tài xế) được outsource (thuê ngoài) qua Be.
Be Group và các bên liên quan khác
Theo nguyên văn của ThS Nguyễn Thế Trung:
- Đối với Be Group , việc hợp tác này cũng đem lại cơ hội cho việc gia tăng số lượng đội ngũ tài xế trong ứng dụng của họ, mở rộng thị phần, tăng số lượng người sử dụng app, tăng đáng kể khả năng cạnh tranh với các đối thủ hiện nay như Grab. Ngoài ra, việc được VinFast đầu tư cũng sẽ gia tăng cơ hội của Be Group trong việc tiếp tục huy động thêm vốn trong các vòng gọi vốn sau. Về dòng doanh thu, chúng tôi chưa rõ chi tiết về thỏa thuận, nhưng chúng tôi tin là việc hợp tác cũng gia tăng đáng kể dòng doanh thu cho Be Group.
- Mặt khác, các tài xế cũng sẽ là người hưởng lợi từ thương vụ này. Tham gia mua xe điện kinh doanh sẽ là lựa chọn mới cho họ để tiết kiệm chi phí xăng dầu. Ngoài ra, tài xế tham gia chương trình này cũng được sự hỗ trợ của ngân hàng, cụ thể là VPBank, trong việc cho vay mua xe. Tham gia làm tài xế của GSM cũng có thể mức thu nhập khá tốt với phần lương cứng và bảo hiểm xã hội. Đây cũng là lựa chọn thêm cho các tài xế muốn tham gia nhưng chưa muốn đầu tư xe.
- Còn với ngân hàng VPBank , một bên chưa được nhắc tới nhiều, chúng tôi lại nhận thấy ngân hàng này đóng vai trò không hề nhỏ. Được biết, VPBank đang là ngân hàng dẫn đầu về thị phần cho vay mua xe. Việc tiếp tục tham gia cho vay mua xe của GSM sẽ giúp cho VPBank giữ vững vị trí dẫn đầu và mở rộng tệp khách hàng. Các khách hàng vay mua xe là nhóm khách hàng sẽ phát sinh thêm nhiều nhu cầu dịch vụ tài chính khác mà VPBank có thể tiếp tục khai thác. Như vậy, trong các bên liên quan này, vai trò của ngân hàng rất quan trọng vì nếu thiếu ngân hàng thì ý tưởng kinh doanh này sẽ không khả thi. Chúng tôi chưa rõ những mục tiêu (objectives) của dự án này, nhưng theo góc nhìn của chúng tôi thì dự án này sẽ thành công trong việc dịch chuyển được một phần tín dụng từ VinFast qua người mua xe thông qua việc bán hàng kết hợp cho vay của ngân hàng. Trong thực tế, rất nhiều công ty xe hơi có công ty tài chính để cho vay người mua xe (Toyota, Hyundai….). VinFast hiện nay chưa có công ty tài chính, nên việc hợp tác với các ngân hàng là việc cần phải làm.
Cơ hội và Thách thức
Với nước đi này, Vin tạo được cơ hội:
- Cơ hội trải nghiệm xe điện mới, êm, thơm, rẻ cho đông đảo công chúng. Rất nhiều trong số họ chỉ mới nghe nói và mắng theo chứ chưa bao giờ ngồi trên một chiếc xe điện Vinfast. Mà ấn tượng xe mới thì chắc chắc là hơn đứt mấy cái xe công nghệ giá rẻ hay xe cũ của các hãng taxi rồi. Sau khi trải nghiệm, thị trường sẽ sẵn sàng hơn cho việc mua xe điện Vinfast.
- Trải nghiệm thực tế của lái xe khắp thiên hạ và hành khách khắp giúp Vinfast thử nghiệm và hoàn thiện xe.
- Phủ sóng chuỗi trạm sạc khắp những nơi có thể có người mua xe. Thực ra thì đây mới là điểm mấu chốt nhất cản trở nhiều quyết định mua xe.
- Rải trạm bảo dưỡng sửa chữa, phụ tùng thay thế và dịch vụ khắp cả nước để tăng trải nghiệm và giảm chi phí sửa chữa bảo dưỡng cho khách hàng. Đừng coi thường điều này, nó đã giúp Toyota có vị thế số 1 ở Việt Nam suốt 30 năm vừa qua. Và nó cũng giúp Toyota Việt Nam là đơn vị hiệu quả nhất toàn cầu.
- Với số lượng bán ra nhiều hơn, Vinfast sẽ đến gần ngưỡng hoà vốn hơn. Số lượng lớn cũng giúp Vinfast thương lượng tốt hơn với các nhà cung cấp và có chi phí đầu vào giảm đáng kể. Giá hợp lý bên cạnh các yếu tố bên trên sẽ giúp Vinfast bán được xe dễ dàng hơn rất nhiều. Cả ở Việt Nam lẫn trên toàn cầu.
- Nhiên liệu xăng là thứ hữu hạn và cũng là loại gây ô nhiễm môi trường ⇒ Xe điện sẽ là Kỷ Nguyên Xanh trong tương lai không xa
Tất nhiên vẫn còn nhiều Thách thức đặt ra:
- Thứ nhất là từ phía ngân hàng, như đã trình bày ở trên, việc các chính sách cho vay, lãi suất, hỗ trợ… có phù hợp để khuyến khích một lượng lớn tài xế mua xe hay không là một thách thức.
- Thứ hai là yếu tố vận hành, việc quản trị vận hành ở quy mô lớn luôn là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải giải quyết. Trước mắt Be sẽ vận hành qua App của Be và theo chuẩn mực dịch vụ của Be. Tuy nhiên, trong tương lai, nhân sự của Be có đáp ứng được việc duy trì (hoặc nâng cao) chuẩn mực dịch vụ ở quy mô lớn hơn thì vẫn là bài toán khó cần giải quyết.
- Cuối cùng là Thị trường taxi Việt Nam sa vào giai đoạn suy thoái rất nặng. Vai trò của Grab rất vững chãi cho dù đã có rất nhiều “liên minh” và “chiến lược” để phòng thủ. Các hãng taxi vừa nhỏ lẻ (đặc biệt là ở phía Bắc), vừa “đồng sàng dị mộng”, vừa không đủ quyết liệt nên không tạo được hiệu quả. Bên cạnh đó, tỷ lệ quãng đường xe có khách lên đến 85% của Grab giúp nó có hiệu quả tài chính vượt trội, đặc biệt là khi giá nhiên liệu cao. Giờ khi Vin taxi ra đời, do chạy bằng điện nên không bị chi phí vận hành cao. Xe lại đồng bộ nên dễ sửa chữa bảo dưỡng vận hành. Thương hiệu lớn và được đón nhận. Lại thêm tính quyết liệt của Vin đã ăn sâu vào máu nên sẽ có hiệu quả cao hơn. Rất chờ đón Grab có đối trọng đủ lớn để người tiêu dùng được hưởng lợi.
Game Tài chính của GSM là gì?
GSM hay nói tắt là Vin Taxi – một nước đi độc địa về Tài chính ở Việt Nam
Về tình hình Tài chính của Vin/Vinfast, đặc biệt là về tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu “siêu to khổng lồ”.
Trong khi đó, khả năng thu hút vốn của Vin đã bị thắt chặt đến ngặt nghèo:
- Kênh trái phiếu khó huy động
- Hạn mức cho vay BĐS bị kiểm soát đặc biệt
- Thị trường BĐS đóng băng nên bán sản phẩm hay sang nhượng dự án đều tắc
- Thị trường chứng khoán sụt giảm nên phát hành thêm cổ phiếu không mấy người mua
- IPO công ty mới như Vinfast thì không chắc thành công, thậm chí kể cả khi đã “khoác áo nước ngoài”.
- Cho dù không làm gì thì họa lại vẫn có thể đến nhà: những ngân hàng đầu tư lớn nhất như Credit Suisse hay Deutsche Bank lần lượt sụp đổ hay lao đao. Những khoản đang định vay bị đình tắc thì không nói, những khoản vay trong quá khứ cũng có thể bị ảnh hưởng… Thập diện mai phục đó nghe!
Thế liên quan gì đến taxi?
Các hãng taxi khi đầu tư xe mới thì chỉ cần một số vốn đối ứng nho nhỏ mà thôi (20-30% giá trị), phần còn lại thì ngân hàng hay thuê mua tài chính sẽ giúp thu xếp. Thế thì sao?
Chuyện gì sẽ xảy ra khi Vin mở một công ty kinh doanh taxi và bán xe Vinfast cho công ty ấy?
Việc này mang lại mấy cái lợi sau đây:
- Biến giá trị tồn kho không bán được của Vinfast thành doanh thu. Đẹp sổ sách kinh doanh và hồ sơ IPO. Đẹp hồ sơ marketing (đã bán thành công nhiều trăm ngàn xe ra thị trường…).
- Lượng vốn hãng taxi huy động được sẽ là từ gấp 3 đến gấp 4 lượng vốn tự có. Chưa nói đến việc sau khi sổ sách của Vinfast đẹp hơn (tăng doanh thu đùng đùng mà) thì lại có thể xin vay thêm nữa.
- Các khoản vay ngân hàng (hay sử dụng kênh thu mua tài chính) này lại không bị dòm ngó hay kiểm soát đặc biệt như phát hành trái phiếu hay vay bất động sản.
- Và có một chi tiết vô cùng thú vị là khác với khi cho vay mua bất động sản phải định giá trên cơ sở mặt bằng giá thị trường thì khi vay để mua xe mới, ngân hàng sẽ neo cơ sở giá niêm yết của hãng. Mà ai là người niêm yết?
- Có bạn nói: thì ít ra người ta cũng phải có lượng vốn tự có nữa chứ. Vầng, 99,99% chúng ta đều nghĩ như thế và làm như thế. Nhưng vẫn có những cách để thu xếp được mà vẫn hợp pháp các cụ ạ.
Tóm lại, về mặt tài chính, với sự đầu tư vào taxi, Vin có thể “biến CỦA NỢ thành CỦA CẢI”.
Tham khảo: Vietnambusinessinsider.vn