VN-Index đại diện cho tất cả cổ phiếu niêm yết tại HoSE, còn VN30-Index đại diện cho nhóm 30 mã bluechip đứng đầu.
VN-Index
Khái niệm
VN-Index là chỉ số đại diện cho Sở HoSE từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động, đại diện cho tất cả cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên HoSE.
Chỉ số này được tính theo phương pháp trọng số giá trị thị trường, dựa vào mức độ chi phối của từng cổ phiếu được sử dụng.
VN-Index có giá trị cơ sở ban đầu là 100 điểm, vào ngày cơ sở là ngày đầu tiên thị trường đi vào hoạt động 28/7/2000.
VN-Index được tính theo công thức:
VN-Index = (Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết hiện tại / Tổng giá trị của các cổ phiếu niêm yết cơ sở) x 100
Trong đó:
Giá trị vốn hóa hiện tại là tổng của số lượng toàn bộ cổ phiếu và giá trị của mỗi mã được niêm yết trên sàn vào thời điểm hiện tại.
Giá trị vốn hóa cơ sở là tổng của số lượng toàn bộ cổ phiếu và giá trị của mỗi mã được niêm yết trên sàn vào thời điểm cơ sở.
Giả sử tại thời điểm 31/5/2022, ta có các dữ liệu sau:
- Giá trị vốn hóa tại ngày 31/5/2022: 5.122.323 tỷ đồng.
- Giá trị vốn hóa cơ sở của VN-Index (tương đương với 100 điểm) tại ngày 31/5/2022: 396.200 tỷ đồng.
Áp dụng công thức trên, ta có chỉ số VN-Index ngày 31/5/2022 là:
(5.122.323 / 396.200) x 100 = 1.292,68 điểm
Lưu ý: giá trị vốn hóa hiện tại và giá trị vốn hóa cơ sở có thể thay đổi theo thời gian dựa trên số mã cổ phiếu bổ sung (hoặc loại bỏ) và những đợt tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết trên các sàn. Vì vậy, các số liệu từ ví dụ trên chỉ mang tính tương đối theo thời điểm.
Ví dụ về vốn hóa cơ sở của chỉ số VN-Index
Ví dụ sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn tính thời điểm của vốn hóa cơ sở. Giả sử, ngày 1/1 có 10 mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn, mỗi mã có 1 cổ phiếu trị giá 10.000 đồng. Như vậy, vốn hóa cơ sở của sàn là 10.000 x 10 = 100.000 đồng.
Tới ngày 1/2, 1 mã khác với số lượng là 1 cổ phiếu được niêm yết thêm trên sàn đó với mức giá 11.000 đồng. Giá trị vốn hóa cơ sở của sàn lúc này sẽ là: 10.000 x 10 + 11.000 x 1 = 111.000 đồng.
Tại Việt Nam, hầu hết các bộ chỉ số đều lấy cơ sở là 100 điểm. Vì vậy, 1 điểm của bộ chỉ số trong ví dụ trên sẽ là: 111.000 / 100 = 1.110 đồng.
Như vậy, để tính được chỉ số của sàn tại ngày 1/2, ta cần lấy giá trị vốn hóa hiện tại chia cho giá trị vốn hóa cơ sở của ngày 1/2. Bạn sẽ tính sai chỉ số nếu như áp dụng vốn hóa cơ sở của ngày 1/1 vào công thức trên.
Chỉ số được tính toán và thay đổi trong thời gian diễn ra giao dịch. Trong quá trình đó, sự biến động về giá cổ phiếu sẽ làm thay đổi giá trị chỉ số, đồng thời được so sánh tăng giảm đối với phiên giao dịch trước bằng %.
Ngoài ra, một số nhân tố khác làm thay đổi cơ cấu số cổ phiếu niêm yết là khi thêm, bớt cổ phiếu giao dịch vào cơ cấu tính toán. Điều này sẽ làm phát sinh tính không liên tục của chỉ số, các trọng số và cơ sở để xác định bình quân thị trường số chia đã thay đổi. Do đó, số chia mẫu số trong công thức tính chỉ số trên phải được điều chỉnh nhằm duy trì tính liên tục cần có của chỉ số.
Theo Bộ quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 3.0 của HoSE cập nhật tháng 11/2020, cácchỉ số (bao gồm VN-Index, VN30-Index, VN Midcap, VN100…) sẽ được tính toán dựa trên phương pháp giá trị vốn hóa điều chỉnh free-float.
Chỉ số = Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại / Hệ số chia
Trong đó:
CMV – Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại được tính theo công thức:
- i=1, 2, 3,..n
- n: Số cổ phiếu trong rổ chỉ số
- pi: Giá cổ phiếu i tại thời điểm tính toán
- si: Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của cổ phiếu i tại thời điểm tính toán
- fi: Tỷ lệ free-float làm tròn của cổ phiếu i trong rổ chỉ số tại thời điểm tính toán
- ci: Tỷ lệ giới hạn tỷ trọng vốn hóa (chỉ tiêu này để tránh tình trạng một cổ phiếu đơn lẻ hay một nhóm cổ phiếu có liên quan chiếm tỷ trọng vốn hóa quá lớn)
Với mỗi bộ chỉ số, các cấu phần trong công thức sẽ có sự thay đổi hoặc áp dụng những quy tắc tính toán riêng.
Với hệ số chia, trong trường hợp có sự tăng hoặc giảm giá trị vốn hóa thị trường mà nguyên nhân không phải do sự biến động giá thị trường mà do các sự kiện doanh nghiệp hoặc các thay đổi về số lượng cổ phiếu thành phần, số chia cần phải điều chỉnh. Nguyên tắc là làm cho chỉ số trước và sau khi có biến động là bằng nhau.
Trong đó:
- Hệ số chia (trước) và CMV (trước) là hệ số chia và giá trị vốn hóa trước khi điều chỉnh
- Hệ số chia (sau) và CMV (sau) là hệ số chia và giá trị vốn hóa sau khi điều chỉnh
VN30-Index
Bên cạnh VN Index, HoSE đã lập và đưa vào sử dụng VN30-Index bắt đầu từ ngày 06/02/2012. Công thức dùng chung với Bộ quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index.
Chỉ số này gồm 30 cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE có giá trị vốn hóa thị trường cũng như thanh khoản cao nhất. Ví dụ, tính tới cuối phiên ngày 10/5/2022, nhóm 30 cổ phiếu này có tổng mức vốn hóa thị trường đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 70% tổng giá trị vốn hóa sàn HoSE. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên của nhóm 30 mã bluechip chiếm gần 40% tổng giá trị giao dịch của sàn.
Theo quy định, vào ngày thứ hai của tuần thứ tư tháng 1 và tháng 7 hàng năm, HSX sẽ thực hiện đổi rổ cổ phiếu của chỉ số VN30-Index.
Các bước để chọn 30 cổ phiếu trong rổ VN30:
- Chọn 50 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường bình quân hàng ngày trong 6 tháng cao nhất, loại trừ các cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch hoặc có thời gian niêm yết dưới 6 tháng. Tuy nhiên các cổ phiếu có giá trị vốn hóa thuộc Top 5 của thị trường thì chỉ yêu cầu thời gian niêm yết 3 tháng trở lên.
- Loại bỏ các cổ phiếu có tỷ lệ lưu hành tự do dưới 5%.
- Các cổ phiếu còn lại sau bước 2 được sắp xếp theo thứ tự giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trong 6 tháng giảm dần. 20 cổ phiếu ở thứ hạng đầu tiên sẽ được chọn vào VN30. Các cổ phiếu thứ hạng từ 21 đến 40 thì ưu tiên các cổ phiếu cũ, sau đó mới đến lựa chọn các cổ phiếu mới để cho vào rổ (điều này để đảm bảo tính ổn định của bộ chỉ số).
- HoSE xem xét lần cuối cùng trước khi công bố rổ chỉ số mới một tuần trước ngày bắt đầu giao dịch rổ chỉ số mới.
- Công thức tính VN30-Index như sau:
VN30-Index = Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại (CMV) / Giá trị vốn hóa thị trường cơ sở (BMV)