Ngoài cổ phiếu, thị trường chứng khoán còn có các công cụ tài chính khác hỗ trợ Nhà đầu tư (NĐT) sinh lợi nhuận, điển hình phải kể đến sản phẩm Chứng khoán phái sinh (CKPS) – công cụ tài chính còn mới mẻ với đa phần NĐT F0. Vì vậy, bài viết dưới đây, SSI sẽ cùng NĐT đi trả lời những câu hỏi “là gì? ở đâu? như thế nào?” về sản phẩm Chứng khoán “hấp dẫn” nhất nhì thị trường này.
Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh được định nghĩa là một công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng mà trong đó giá trị của CKPS phụ thuộc vào một hay nhiều loại tài sản cơ sở.
Cụ thể, hợp đồng xác nhận quyền và nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở vào thời điểm xác định trong tương lai với mức giá nhất định được thỏa thuận trước. Tài sản cơ sở của CKPS cũng được quy định là chứng khoán, các chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác (thực phẩm, nông sản, kim loại,…)
Hay hiểu một cách đơn giản hơn, tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm chứng khoán phái sinh cho phép NĐT đặt cược vào sự “tăng” hoặc “giảm” của tài sản cơ sở trong tương lai. Nếu sự thay đổi đó diễn ra đúng như dự đoán của NĐT, NĐT sẽ có lời.
Phân loại chứng khoán phái sinh
Theo hình thức hợp đồng
Bằng cơ chế hoạt động linh hoạt như vậy, CKPS được triển khai đa dạng dưới 04 loại chính ở Việt Nam, bao gồm:
- Hợp đồng Kỳ hạn – Forwards (HĐKH): là thỏa thuận pháp lý giữa hai bên tham gia về việc mua và bán một loại tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước tại ngày thực hiện giao dịch.
- Hợp đồng Tương lai – Futures (HĐTL): là một dạng hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch tại thị trường tập trung (Sở Giao dịch chứng khoán)
- Hợp đồng Quyền chọn – Options (HĐQC): là thỏa thuận pháp lý trong đó một bên có quyền yêu cầu thực hiện và bên kia có nghĩa vụ phải mua hoặc bán một lượng tài sản cơ sở theo mức giá đã được xác định trước tại hợp đồng trong một khoảng thời gian hoặc tại một thời điểm nhất định trong tương lai.
- Hợp đồng Hoán đổi (HĐHĐ): là một thỏa thuận pháp lý trong đó có hai bên cam kết hoán đổi dòng tiền của một công cụ tài chính của một bên với dòng tiền của công cụ tài chính của bên còn lại trong một khoảng thời gian nhất định.
- Các giao dịch hoán đổi về cơ bản có thể được phân thành hai loại:
- Hoán đổi lãi suất: Những phái sinh này về cơ bản đòi hỏi việc hoán đổi chỉ liên quan đến các lưu chuyển tiền tệ trong cùng một loại tiền tệ, giữa hai bên.
- Hoán đổi tiền tệ: Trong loại hoán đổi này, dòng tiền giữa hai bên bao gồm cả gốc và lãi. Ngoài ra, những đồng tiền được hoán đổi thuộc các đơn vị tiền tệ khác nhau cho cả hai bên.
- Các giao dịch hoán đổi về cơ bản có thể được phân thành hai loại:
Đến năm 2019, Luật Chứng khoán có quy định rõ tại Khoản 9, Điều 4: Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm HĐQC, HĐTL, HĐKH, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.
Theo hình thức giao dịch
Có hai nhóm hợp đồng phái sinh, được phân biệt bởi cách mà chúng được giao dịch trên thị trường:
- Phái sinh giao dịch ngoài sàn (OTC) là các hợp đồng phái sinh được trao đổi (và được thỏa thuận riêng) trực tiếp giữa hai bên, không cần thông qua một sàn giao dịch hoặc trung gian nào khác. Các sản phẩm như hoán đổi tài chính, các thỏa thuận tỷ giá kỳ hạn, quyền chọn đặc biệt – và các phái sinh đặc biệt khác – gần như luôn luôn được giao dịch theo cách này. Thị trường phái sinh OTC là thị trường lớn cho các phái sinh, và phần lớn là không được kiểm soát, liên quan đến việc công bố thông tin giữa các bên với nhau, vì thị trường OTC được tạo thành từ các ngân hàng và các bên rất phức tạp khác, chẳng hạn như các quỹ phòng hộ. Báo cáo về giá trị các giao dịch OTC là rất khó vì các trao đổi có thể xảy ra riêng tư, không có hoạt động có thể nhìn thấy trên bất kỳ sàn giao dịch nào.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổ chức đầu tiên đã khảo sát các phái sinh OTC vào năm 1995,[16] đã thông báo rằng “tổng giá trị thị trường, đại diện cho chi phí thay thế tất cả các hợp đồng mở theo giá thị trường lưu hành, … đã tăng 74% kể từ năm 2004, tới 11 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6 năm 2007 (BIS 2007:24).” [16] Các vị thế tài chính trên thị trường phái sinh OTC đã tăng tới 516 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6 năm 2007, cao hơn 135% so với mức được ghi nhận năm 2004. Tổng giá trị danh nghĩa còn lại là 708 nghìn tỷ USD (vào tháng 6/2011).[17] Trong tổng số tiền danh nghĩa này, 67% là các hợp đồng lãi suất, 8% là các hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS), 9% là các hợp đồng ngoại hối, 2% là hợp đồng hàng hóa, 1% là các hợp đồng vốn chủ sở hữu, và 12% là các hợp đồng khác. Do các phái sinh OTC không được trao đổi trên một sàn giao dịch, nên không có bên đối tác trung tâm. Vì vậy, chúng có thể là đối tượng của rủi ro bên đối tác, giống như một hợp đồng bình thường, do mỗi bên đối tác lại dựa vào bên kia để thực hiện.
- Phái sinh trao đổi qua sàn giao dịch (ETD) là những công cụ phái sinh được giao dịch thông qua các sàn giao dịch phái sinh chuyên biệt hoặc các sàn giao dịch khác. Một sàn giao dịch phái sinh là một thị trường nơi các cá nhân trao đổi các hợp đồng chuẩn hóa đã được sàn giao dịch định nghĩa.
Một sàn giao dịch phái sinh hoạt động như một trung gian cho tất cả các giao dịch có liên quan, và lấy biên ban đầu (bảo chứng ban đầu) từ cả hai bên trao đổi để hoạt động như một đảm bảo. Các sàn giao dịch phái sinh lớn nhất thế giới (theo số lượng giao dịch) là Korea Exchange (niêm yết các tương lai và quyền chọn của chỉ số KOSPI), Eurex (niêm yết một loạt các sản phẩm như các sản phẩm lãi suất và chỉ số của châu Âu), và CME Group (được tạo ra từ cuộc sáp nhập của Chicago Mercantile Exchange và Chicago Board of Trade năm 2007 và việc mua lại New York Mercantile Exchange năm 2008). Theo BIS, tổng doanh số kết hợp trong các sàn giao dịch phái sinh của thế giới trong quý 4 năm 2005 là 344 nghìn tỷ USD. Vào tháng 12 năm 2007 Ngân hàng Thanh toán Quốc tế báo cáo rằng “các phái sinh được trao đổi trên các sàn giao dịch đã tăng 27% đạt kỷ lục 681 nghìn tỷ USD.
Một số ví dụ phổ biến về các chứng khoán phái sinh
TÀI SẢN CƠ SỞ | Hợp đồng tương lai trao đổi qua sàn | Hợp đồng quyền chọn trao đổi qua sàn | Hợp đồng hoán đổi OTC | Hợp đồng kỳ hạn OTC | Hợp đồng quyền chọn OTC |
---|---|---|---|---|---|
Cổ phần | Tương lai chỉ số DJIATương lai đơn cổ phần | Quyền chọn tương lai chỉ số DJIAQuyền chọn đơn cổ phiếu | Hoán đổi cổ phần | Thỏa thuận mua lại giáp lưng | Quyền chọn cổ phiếuĐảm bảo tài chínhĐảm bảo Turbo |
Lãi suất | Tương lai Euro – Đôla MỹTương lai Euribor | Quyền chọn tương lai Euro – Đôla MỹQuyền chọn tương lai Euribor | Hoán đổi lãi suất | Thỏa thuận lãi suất kỳ hạnThỏa thuận tỷ giá kỳ hạn | Trần và sàn lãi suấtQuyền chọn hoán đổiHoán đổi cơ sởQuyền chọn trái phiếu |
Tín dụng | Tương lai trái phiếu | Quyền chọn tương lai trái phiếu | Hoán đổi rủi ro tín dụngHoán đổi hoàn vốn tổng cộng | Thỏa thuận mua lại | Quyền chọn rủi ro tín dụng |
Ngoại hối | Tương lai tiền tệ | Quyền chọn tương lai tiền tệ | Hoán đổi tiền tệ | Kỳ hạn tiền tệ | Quyền chọn tiền tệ |
Hàng hóa | Tương lai dầu thô WTI | Phái sinh thời tiết | Hoán đổi hàng hóa | Hợp đồng kỳ hạn quặng sắt | Quyền chọn vàng |
Ví dụ HĐTL với chỉ số VN30
Hiện nay, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam cung cấp hai dòng sản phẩm cơ bản: hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ. Trong đó, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là phổ biến, còn hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ ít được giao dịch hơn, chủ yếu là các tổ chức tự giao dịch với nhau.
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 dựa trên những biến động tổ hợp của 30 mã cổ phiếu dẫn đầu thị trường với giá trị vốn hóa lớn và tính thanh khoản cao (bluechip) trong tương lai, với 4 loại hợp đồng: 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng và 6 tháng.
Một số quy định trong giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30:
- Tài sản cơ sở: VN30-Index
- Quy mô hợp đồng: 100.000 VND x VN30-Index, trong đó giá trị 100.000 VND được gọi là hệ số nhân của hợp đồng.
- Phương thức giao dịch: Khớp lệnh liên tục và thỏa thuận
- Thời gian giao dịch: Mở cửa trước thị trường cơ sở 15 phút (8h45); Đóng cửa: kết thúc cùng thị trường cơ sở (14h45)
- Biên độ dao động giá: ±7%
- Đơn vị giao dịch: Một hợp đồng.
- Khối lượng giao dịch: Tối thiểu một hợp đồng
- Giới hạn lệnh: 500 hợp đồng/lệnh
- Ký quỹ: Bắt buộc. Để tham gia giao dịch hợp đồng tương lai, cả bên mua và bên bán có nghĩa vụ phải đặt cọc để đảm bảo thanh toán.
- Mã Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được quy ước là VN30FYYMM, bao gồm các thông tin về loại hợp đồng, năm và tháng đáo hạn hợp đồng.
Ví dụ, tháng 4/2022 một nhà đầu tư mở vị thế mua 10 HĐTL chỉ số VN30, mã HĐ: VN30F2205, đáo hạn ngày 19/5/2022. VN30-Index hiện là 1.493 điểm, đến tháng 5, chỉ số này tăng lên 1.500 điểm.
Khi đó, nhà đầu tư lãi: 100.000x (1.500-1.493)x10=7.000.000 VND (chưa trừ các phí và thuế giao dịch). Trường hợp VN30-Index giảm, nhà đầu tư sẽ bị thiệt với số điểm tương ứng nhân với hệ số. Ngược lại, nhà đầu tư có thể mở vị thế bán nếu tin rằng VN30-Index sẽ điều chỉnh, giảm điểm trong tương lai.
Hiểu một cách đơn giản, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là sự “đánh cược” của nhà đầu tư vào sự tăng hoặc giảm của nhóm cổ phiếu bluechip trong tương lai.
Sự khác biệt của giao dịch Chứng khoán phái sinh (HĐTL) với giao dịch cổ phiếu
Các HĐTL cũng có những bảng giá riêng, NĐT sẽ dựa vào kỳ vọng của mình về sự tăng hay giảm chỉ số để đặt lệnh và khớp lệnh giao dịch. NĐT kỳ vọng chỉ số tăng sẽ mua HĐTL chỉ số, ngược lại, NĐT sẽ bán HĐTL chỉ số nếu kỳ vọng chỉ số giảm.
Theo đó, điểm khác biệt đầu tiên của giao dịch HĐTL là “đáo hạn”, vì vậy khi giao dịch hợp đồng NĐT cần chú ý để lựa chọn hợp đồng có tháng đáo hạn phù hợp với kế hoạch đầu tư.
Điểm khác biệt thứ hai, nếu NĐT muốn mua cổ phiếu trên thị trường cơ sở cần phải có đủ tiền trước khi giao dịch, ở giao dịch HĐTL thì không. NĐT không nhất thiết phải có đủ toàn bộ số tiền để tham gia mua hoặc không cần nắm giữ tài khoản để tham gia bán. Với điểm khác biệt này dẫn NĐT đến với khái niệm mới “Ký quỹ”.
Ký quỹ trong giao dịch chứng khoán phái sinh đóng vai trò là khoản đặt cọc đảm bảo việc thực hiện nghĩa cụ của cả hai bên khi tham gia hợp đồng. Tỉ lệ ký quỹ ban đầu cho mỗi loại hợp đồng là khác nhau và được quy định bởi Trung tâm lưu ký. Trong trường hợp NĐT không đủ số tiền ký quỹ như yêu cầu có thể bị gọi ký quỹ và NĐT sẽ phải hoàn thành đầy đủ ký quỹ để tiếp tục giữ hợp đồng.
Một điểm khác biệt nữa của chứng khoán phái sinh là cơ chế thanh toán hàng ngày. NĐT khi giao dịch hợp đồng phải thực hiện thanh toán toàn bộ lãi, lỗ mỗi ngày.
- Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh lỗ ròng: NĐT sẽ cần thanh toán đầy đủ toàn bộ số lỗ phát sinh chậm nhất đến 9h sáng ngày hôm sau
- Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lãi ròng: nhà đầu tư sẽ nhận được đầy đủ số lãi phát sinh sau 11h sáng ngày hôm sau.
Đầu tư Chứng khoán phái sinh có đảm bảo không?
Mặc dù rất “hấp dẫn” với cơ chế hoạt động linh hoạt và sự đa dạng sản phẩm, nhưng những khác biệt của CKPS vẫn khiến NĐT F0 không khỏi nghi ngại liệu CKPS có thật sự đảm bảo? Nhiều NĐT đưa ra lý do rằng yếu tố “tương lai” làm cho sản phẩm giống một dạng cược may rủi và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là đầu tư cổ phiếu thông thường.
Câu trả lời là NĐT có thể hoàn toàn yên tâm khi đầu tư sản phẩm CKPS. Trên thực tế NĐT cũng cần lưu ý rằng, bất cứ sản phẩm chứng khoán nào cũng đều tiềm ẩn những rủi ro không chỉ riêng CKPS. NĐT có thể hạn chế chúng bằng cách trau dồi kiến thức mới và tham khảo các báo cáo phân tích từ các công ty chứng khoán, các trang tin tức uy tín. Bên cạnh những rủi ro, NĐT cũng cần nhìn vào những ưu điểm của CKPS để thấy được tiềm năng của sản phẩm rất đáng đầu tư này, bao gồm:
- Phòng ngừa rủi ro biến động giá: NĐT nếu dự đoán được mức giá của một tài sản cơ sở sẽ tăng hoặc giảm trong tương lai họ sẽ giảm thiểu rủi ro biến động giá bằng việc mua hoặc bán hàng hóa với giá ở thời điểm hiện tại nhờ hợp đồng tương lai.
- Bán khống chứng khoán: NĐT có thể bán các chứng khoán phái sinh ngay cả khi không có tài sản cơ sở.
- Tính thanh khoản cao: Chứng khoán phái sinh có tính thanh khoản cao do sản phẩm này được niêm yết và giao dịch tập trung trên Sở giao dịch chứng khoán.
- Lợi ích đòn bẩy tài chính: NĐT chỉ cần ký quỹ một phần tài sản nhưng được giao dịch với cổ phiếu có giá trị gấp nhiều lần số tiền ký quỹ, mang lại lợi thế đầu tư.
NĐT cần lưu ý, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đưa ra khuyến nghị CKPS sẽ phù hợp hơn với những NĐT đã có nhiều kinh nghiệm “thực chiến”. Tuy nhiên, NĐT F0 cũng nên tìm hiểu và tiếp cận công cụ tài chính này ngay từ bây giờ để sẵn sàng cho những kế hoạch đầu tư “hấp dẫn” trong tương lai.